Trong thời gian qua, đội ngũ những người có uy tín, già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, các tầng lớp Nhân dân sinh sống dọc biên giới tỉnh Thanh Hóa, Việt Nam, Lào đã phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, không quản ngại khó khăn địa hình và khí hậu khắc nghiệt, cùng với Bộ đội Biên phòng, cấp ủy, chính quyền các địa phương bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới Quốc gia.

Ông Hà Văn Chốn, dân tộc Thái, người có uy tín ở bản Yên, xã Mường Mìn, huyện Quan Sơn năm nay đã bước sang cái tuổi xưa nay hiếm. Ông tình nguyện làm công việc bảo vệ cột mốc từ năm 1994. Giờ đây, dù tuổi đã cao, sức khỏe đã giảm sút nhiều nhưng ông Chốn vẫn miệt mài với công việc bảo vệ đường biên, mốc giới. Gần nửa cuộc đời ông Chốn tham gia cách mạng và bảo vệ Tổ quốc. Với kinh nghiệm hàng chục năm làm công tác bảo vệ đường biên, mốc giới, ông Chốn hiểu rõ hơn ai hết tầm quan trọng của việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức về chủ quyền biên giới và trách nhiệm, niềm tự hào của mỗi công dân khi được làm công việc thiêng liêng ấy.

Không chỉ là tấm gương trong thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm với Tổ quốc, với Nhân dân, những người có uy tín như ông Hà Văn Chốn còn là tấm gương trong phát triển kinh tế gia đình, vận động, tuyên truyền cho người thân, gia đình, dòng họ, Nhân dân trong làng bản thấm nhuần chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

          Ông Thao Văn Hơ, dân tộc Mông, người có uy tín ở bản Kéo Hượn, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, năm nay đã 57 tuổi, nhưng đã có gần 10 năm miệt mài và trách nhiệm với công việc bảo vệ đường biên, mốc giới. Cột mốc số 312, nơi ông thường xuyên đến chăm sóc, bảo vệ cách trung tâm xã hơn 20km và cách đường nhựa khoảng 5 km. Để đến được cột mốc này, hàng tuần, hàng tháng, ông Hơ phải băng rừng, núi cao, vực sâu với rất nhiều hiểm nguy luôn rình rập.

          Những người có uy tín như ông Hà Văn Chốn hay ông Thao Văn Hơ thuộc thế hệ đi trước tiên phong làm nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ cột mốc, họ đã truyền cảm hứng cho các thế hệ trẻ đồng bào mình noi gương và làm theo.

          Anh Giàng A Chìa, dân tộc Mông, cũng là một người có uy tín ở bản Ón, xã Tam Chung, huyện Mường Lát. Dù tuổi đời còn khá trẻ, thế nhưng anh Chìa cũng rất tự hào khi bản thân cũng khá “thâm niên” trong công việc bảo vệ và chăm sóc cột mốc số 270, biên giới với nước bạn Lào. Hàng tuần, hàng tháng, ngoài những lúc đi cùng thực hiện nhiệm vụ với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Chung, anh Chìa còn làm nhiệm vụ phát quang đường lên cột mốc, dọn dẹp, kiểm tra tình trạng cột mốc, báo cáo với lực lượng Biên phòng khi phát hiện sự cố xảy ra.         

Thanh Hoá có tuyến biên giới đất liền dài 213,6 km, tiếp giáp với tỉnh Hủa Phăn (Nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào), có 88 cột mốc biên giới, trên 92 vị trí mốc (trong đó có 2 mốc đôi và 1 mốc 3). Cùng với lực lượng Bộ đội Biên phòng, những năm qua, Nhân dân trên các địa bàn biên giới tỉnh Thanh Hóa, trong đó có đội ngũ người có uy tín, trưởng thôn, trưởng bản, trưởng dòng họ,…  đã tình nguyện bảo vệ, trông coi mốc giới, qua đó góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh trật tự, tạo môi trường thuận lợi để Nhân dân phát triển kinh tế xã hội, cải thiện cuộc sống./

Mời quý vị cùng theo dõi chi tiết qua link sau:

https://www.youtube.com/watch?v=xVfJnwif5BU&t=112s