Từ khi ra đời đến nay, Qũy PCTT tỉnh Thanh Hoá đã góp phần quan trọng trong công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn. Nguồn lực từ Quỹ Phòng chống thiên tai đã bổ sung thêm nguồn kinh phí quan trọng cho tỉnh, tạo nguồn lực tại chỗ, góp phần cùng với ngân sách nhà nước, hỗ trợ kịp thời cho các địa phương chủ động phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai trong bối cảnh thiên tai ngày càng cực đoan, diễn biến khó lường.
Những năm qua, công tác phòng, chống thiên tai đã được quán triệt sâu rộng đến toàn bộ hệ thống chính trị. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, giải pháp nhằm giảm nhẹ rủi ro thiên tai, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, đồng thời từng bước xây dựng xã hội, cộng đồng an toàn trước thiên tai. Vì vậy, công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa.
Ngoài các chương trình hỗ trợ của các dự án quốc tế, các nguồn lực cho công tác phòng chống thiên tai tại địa phương đã được triển khai, huy động. Ngày 01/8/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2021 về việc thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai; nhằm huy động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ người dân và các địa phương chịu ảnh hưởng của thiên tai trên địa bàn. Các hoạt động cụ thể như: cứu trợ khẩn cấp về lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh và các nhu cầu cấp thiết khác cho đối tượng bị thiệt hại do thiên tai; hỗ trợ tu sửa nhà ở, cơ sở y tế, trường học, xử lý vệ sinh môi trường vùng thiên tai; tu sửa nhà sơ tán phòng tránh thiên tai hoặc tu sửa khẩn cấp công trình phòng, chống thiên tai.Năm 2023, từ nguồn Qũy phòng chống thiên tai được giữ lại cấp huyện, nhiều công trình tại các địa phương như: Hoằng Hóa, Nga Sơn đã được sửa chữa, nâng cấp, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, sản xuất và phòng chống thiên tai cho nhân dân.
Cầu Sông bắc ngang thôn Đô Lương là cây cầu nằm ở vị trí trọng điểm nối 2 vùng sản xuất thâm canh cây cói và nuôi trồng thủy sản của xã Nga Thủy, huyện Nga Sơn. Cầu Sông có nhiệm vụ điều tiết nước ngọt và lấy nước mặn ở vùng phía nam cho nhân dân nuôi trồng thủy sản. Sau nhiều năm hoạt động và chịu những tác động của thiên tai gây ra, cầu Sông đã bị xuống cấp, không thể đáp ứng việc điều tiết, tiêu thoát nước cho sinh hoạt của nhân dân, ảnh hưởng trực tiếp đến việc thoát lũ tại xã Nga Thủy và các xã giáp ranh. Trước tình hình trên, Ban quản lý Quỹ phòng chống thiên tai đã kịp thời chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan, tham mưu UBND huyện cấp bổ sung kinh phí cho UBND xã Nga Thủy để triển khai thực hiện nâng cấp, tu sửa cầu Sông đảm bảo đúng quy định.
Trước đây, mỗi khi có mưa lớn, tại khu vực cống Cao Thắng thuộc xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa thường xuyên xảy ra tình trạng ngập lụt, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, lưu thông, phòng hộ đê điều của bà con nhân dân xã Hoằng Phong và các khu vực lân cận. Vì vậy, mỗi mùa mưa bão về, nhân dân trên địa bàn xã lại lo lắng, bất an trước tình trạng trên.
Ông Lương Khả Đức, thôn Bắc Hộ Triều, xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa cho biết: "Trước đây, khu vực cầu cống bị xuống cấp, hư hỏng nhiều, tình trạng ách tắc dòng chảy, ngập lụt, khó thoát nước, ảnh hưởng đến sản xuất, hoa màu của người dân chúng tôi".
Việc tu sửa cầu cống là rất tốn kém, vượt quá sức đóng góp của nhân dân và nguồn ngân sách tại địa phương. Được sự tham mưu kịp thời của chính quyền xã Hoằng Phong, UBND huyện Hoằng Hóa đã Quyết định phê duyệt kinh phí để khắc phục hậu quả thiên tai.
Ngoài những công trình được tu sửa tại các địa phương, Qũy PCTT cũng đã hỗ trợ số tiền 110.000.000 đồng để duy trì hoạt động của 5 điểm đo thủy văn thuộc Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa quản lí, theo QĐ số 1835 ngày 30/5/2023 của UBND tỉnh. Đây là những điểm đo mưa được lắp đặt từ năm 2020, đến nay đã xuống cấp, cần được tu sửa nhằm tăng cường hiệu quả quan trắc, đo đạc, thu nhập số liệu khí tượng thủy văn, phục vụ trực tiếp cho công tác phòng chống thiên tai tỉnh Thanh Hóa năm 2023.
Các công trình cấp thiết trên đang mang lại lợi ích thiết thực đối với đời sống nhân dân các địa phương và công tác PCTT của tỉnh. Ban Quản lý Quỹ đã kịp thời nắm bắt tình hình thực tế, phối hợp với từng địa phương, đơn vị để nhanh chóng khắc phục, đảm bảo khôi phục công năng sử dụng, đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống thiên tai ở mức độ cao hơn.
Trên cơ sở đề xuất của các địa phương, đơn vị xin hỗ trợ kinh phí từ nguồn Quỹ phòng, chống thiên tai tỉnh trong năm 2023, Ban Quản lý Quỹ phối hợp với Sở Tài chính, Văn phòng Thường trực Chỉ huy phòng, chống thiên tai tỉnh tổ chức kiểm tra thực tế các công trình bị thiệt hại do thiên tai gây ra. Đến nay, công tác kiểm tra thực địa cơ bản đã hoàn thành. Ban Quản lý Quỹ đang tổng hợp báo cáo Hội đồng Quản lý Quỹ gửi Sở Tài chính thẩm định làm cơ sở để Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định hỗ trợ; dự kiến kinh phí hỗ trợ thực hiện trong 2 năm 2023 - 2024 khoảng 50 tỷ đồng.
Xác định công tác thông tin, tuyên truyền là giải pháp hàng đầu để triển khai các hoạt động hiệu quả, Qũy đã phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và địa phương, xây dựng và đăng tải các tin bài, phóng sự truyền thông về Quỹ PCTT, về công tác triển khai thực hiện Kế hoạch thu, nộp Quỹ. Công tác tuyên truyền được triển khai tại 27 huyện, thị xã, thành phố đã cung cấp thông tin kịp thời, chính xác đến các tầng lớp nhân dân, góp phần thực hiện tốt quy định của Qũy PCTT trên địa bàn.
Hiệu quả từ Qũy PCTT có thể thấy rõ, tuy nhiên việc thu quỹ trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại những hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu là do một số đơn vị, tổ chức và cá nhân nhận thức chưa đúng và chưa đầy đủ, khiến công tác triển khai thu quỹ ở các cập còn nhiều bất cập, chậm trễ. Để tiến độ thu đảm bảo công bằng, đúng qui định trong việc thu nộp và sử dụng Quỹ phòng chống thiên tai, thời gian tới, tất cả các tổ chức, cá nhân, đơn vị cần phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong việc hoàn thành nghĩa vụ đóng góp đúng thời gian, kế hoạch.
Có thể khẳng định từ khi đi vào hoạt động đến nay, Quỹ PCTT tỉnh Thanh Hoá đã góp phần quan trọng trong công tác PCTT trên địa bàn. Nguồn lực từ Quỹ PCTT đã bổ sung thêm nguồn kinh phí quan trọng cho tỉnh, tạo nguồn lực tại chỗ góp phần cùng với ngân sách nhà nước, hỗ trợ kịp thời cho các địa phương chủ động phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai trong bối cảnh thiên tai ngày càng cực đoan, diễn biến khó lường. Vì vậy, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, sự chung tay của các tổ chức, cá nhân và toàn xã hội là điều kiện tiên quyết tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác thu nộp và sử dụng Qũy PCTT trên địa bàn tinh, góp phần tạo nguồn kinh phí để Qũy PCTT duy trì hoạt động hiệu quả, tiếp tục phát huy và nâng cao hơn nữa vai trò là nguồn lực xã hội hoá trong công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai./
Mời quý vị cùng theo dõi phóng sự chi tiết qua link sau:
https://www.youtube.com/watch?v=Hod8EDzjPJ0&t=26s