Ngày 14/11/2022, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2023. Việc sửa đổi Luật nhằm thể chế hóa kịp thời quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước từ sau năm 2007; bảo đảm phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành; đồng thời khắc phục những hạn chế còn tồn đọng.

Bạo lực gia đình thường nảy sinh từ những mâu thuẫn trong gia đình, do bất bình đẳng giới, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, do quan hệ bất chính hay các tệ nạn xã hội,... Các hành vi bạo lực gia đình không chỉ vi phạm nhân quyền, mà còn để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng với mọi thành viên trong gia đình. Vì vậy mỗi công dân cần chủ động nâng cao kiến thức pháp luật, tự giác đấu tranh để hạn chế các hành vi bạo hành, tiến tới xóa bỏ bạo lực gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc, xã hội văn minh, tiến bộ.

Ngày 14/11/2022, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2023, thay thế cho Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007. Việc sửa đổi Luật nhằm thể chế hóa kịp thời quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước từ sau năm 2007; bảo đảm phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành; đồng thời khắc phục những hạn chế còn tồn đọng. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi có 6 chương, 56 điều và quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ, xử lí vi phạm trong PCBLGĐ; điều kiện đảm bảo PCBLGĐ; quản lí nhà nước  và trách nhiệm của cơ quan , tổ chức, gia đình, cá nhân trong PCBLGĐ.

 Luật sửa đổi có nhiều điểm mới quan trọng như: sửa đổi khái niệm bạo lực gia đình; mở rộng đối tượng bạo lực gia đình ngoài quan hệ hôn nhân; nhấn mạnh “người bị bạo lực gia đình là trung tâm phòng, chống bạo lực gia đình”. Luật cũng đã bổ sung thêm quyền của người bị bạo lực gia đình  về quyền khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm phòng chống BLGĐ; được yêu cầu bồi thường thiệt hại về sức khỏe, danh dự nhân phẩm và tài sản; được thông tin về quyền nghĩa vụ quá trình giải quyết mâu thuẫn tranh chấp, việc xử lí hành vi BLGĐ. Đồng thời, đưa ra các Quy định cụ thể hơn về các biện pháp ngăn chặn BLGĐ, hỗ trợ người bị BLGĐ, đặc biệt, bổ sung các cơ sở trợ giúp phòng chống bạo lực gồm: các địa chỉ tin cậy, cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng chống BLGĐ.

Trước năm 2007, tình trạng BLGĐ trên địa bàn tỉnh diễn ra khá phức tạp do nhận thức hạn chế về vấn đề bình đẳng giới, những quan điểm, tư tưởng lạc hậu, coi vấn đề bạo lực gia đình là chuyện riêng của mỗi gia đình, sự can thiệp, lên án của cộng đồng, chính quyền địa phương vẫn còn hạn chế.

Từ khi triển khai thực hiện Luật phòng, chống BLGĐ và triển khai xây dựng Mô hình phòng, chống BLGĐ, đến nay tình trạng BLGĐ đã được giảm thiểu đáng kể, nhận thức của người dân tại các địa phương trên địa bàn tỉnh đã được nâng cao. Từ năm 2009 đến nay, tính chất các vụ bạo lực gia đình, số vụ bạo lực trên địa bàn toàn tỉnh ngày càng giảm: Năm 2009 xảy ra 4.054 vụ; năm 2017 giảm còn 1136 vụ, (giảm 2916 vụ); và đến năm 2022 còn 630 vụ (giảm 506 vụ so với năm 2017).

Việc triển khai Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng và duy trì trên 27 huyện, thị xã, thành phố; xây dựng Kế hoạch phòng, chống BLGĐ theo từng giai đoạn cụ thể, thành lập Ban chỉ đạo công tác gia đình cấp huyện, cấp xã và tích cực phát triển nhân rộng thêm nhiều mô hình Phòng, chống BLGĐ tại địa phương như CLB “Gia đình phát triển bền vững”, “Gia đình 5 không, 3 sạch”, mô hình “Ngăn ngừa, giảm thiểu bạo lực trên cơ sở giới”,... Điển hình như thành phố Thanh Hoá, thị xã Nghi Sơn, các huyện Đông Sơn, Thạch Thành, Yên Định, Quảng Xương, Nga Sơn, Quan Sơn.v.v... Tính đến tháng 9/2023, toàn tỉnh có hơn 11.626 Câu lạc bộ về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, 1.706 Nhóm phòng, chống BLGĐ, 1.671 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng Việc triển khai xây dựng mô hình CLB về gia đình đã từng bước tuyên truyền Luật PCBLGĐ đến người dân, đưa công tác phòng, chống BLGĐ đạt hiệu quả thiết thực, nhằm góp phần xây dựng gia đình No ấm, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững

Ngay từ những ngày đầu thi hành Luật PCBLGĐ, công tác tuyên truyền, giáo dục, truyền thông luôn được chú trọng và là giải pháp hàng đầu trong triển khai Luật PCBLGĐ. Các hoạt động tuyên truyền Luật PCBLGĐ được các ngành, đơn vị, địa phương và các tổ chức xã hội trong tỉnh đẩy mạnh, thực hiện đa dạng hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng như hệ thống đài truyền thanh, pano, băng zôn, khẩu hiệu,... Tổ chức các chiến dịch truyền thông hiệu quả như các triển lãm ảnh cổ động, Hội thi tìm hiểu kiến thức về Luật PCBLGĐ và Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam,… gắn với các sự kiện như ngày gia đình Việt Nam 28/6, ngày Quốc tế về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25/11, v.v... Trong quá trình 15 năm thi hành Luật PCBLGĐ (từ 2008 đến 2023) các sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh đã thường xuyên cấp phát tài liệu cho các địa phương, phục vụ sinh hoạt tại các CLB với số lượng gần 100.000 cuốn tài liệu Giáo dục đời sống gia đình, hơn 20.000 cuốn Hỏi đáp về Luật PCBLGĐ, gần 150.000 tờ gấp về nội dung tuyên truyền phòng chống bạo lực gia đình,...

Sau khi luật sửa đổi được chính thức thi hành, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai Luật Phòng, chống bạo lực gia đình tới cán bộ chủ chốt các ngành, các cấp. Tiếp thu những chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa với vai trò đơn vị chủ trì đã chủ động xây dựng các kế hoạch, đề ra các biện pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai Luật mới và trình UBND tỉnh. Từ đó, xây dựng các văn bản, hướng dẫn các huyện, thị xã, TP thực hiện Luật PCBLGĐ; đồng thời phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền Luật PCBLGĐ đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh. Tổ chức kịp thời hội nghị phổ biến, triển khai Luật PCBLGĐ sửa đổi; tập huấn, hướng dẫn các cán bộ chuyên trách kỹ năng làm việc, hỗ trợ nạn nhân tại cộng đồng, nhằm từng bước tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và chuẩn tiếp cận pháp luật đến rộng rãi quần chúng Nhân dân; phát huy hiệu quả các mô hình phòng ngừa, can thiệp, hỗ trợ giải quyết bạo lực gia đình tại cộng đồng.

Để đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền Luật PCBLGĐ trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới, Sở VH-TT-DL tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, cơ quan có liên quan tổ chức triển khai các nội dung trong Kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025; tiếp tục phối hợp xây dựng các kế hoạch, chương trình truyền thông, hội thi nhằm tuyên truyền giáo dục, vận động, từng bước nâng cao nhận thức của mỗi gia đình, của cả cộng đồng trong công tác phòng chống bạo lực gia đình; Xây dựng các phóng sự, tiểu phẩm kịch bản sân khấu, các thông điệp trên phương tiện thông tin đại chúng về PCBLGĐ, phòng chống các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình; Đẩy mạnh triển khai, nhân rộng các mô hình CLB phòng chống BLGĐ, các hoạt động văn hóa, thể thao góp phần truyên truyền PCBLGĐ; Đồng thời, duy trì tổ chức tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng thực hiện công tác phòng chống bạo lực cho đội ngũ công chức, báo cáo viên, cộng tác viên thực hiện đúng quy trình, hiệu quả công tác gia đình các cấp trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở VHTTDL Thanh Hóa chủ trì phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan xây dựng, hướng dẫ quy trình tiếp nhận, xử lý vụ việc BLGĐ; quy trình bảo vệ an toàn, hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, cung cấn và tư vấn thông tin về quyền, nghĩa vụ cho người bị bạo lực...

Có thể thấy, các quy định trong Luật sửa đổi góp phần tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền con người, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế Nhà nước, xã hội cũng như vai trò của gia đình, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Việc triển khai, phổ biến, tuyên truyền Luật PCBLGĐ được thực hiện hiệu quả sẽ góp phần nâng cao nhận thức về công tác gia đình cho cán bộ, Đảng viên và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Để đạt được mục đích tốt đẹp đó, cần huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các đoàn thể và toàn xã hội tham gia, thực hiện nghiêm túc quy định Luật PCBLGĐ, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về hành động, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi BLGĐ,  giảm thiểu BLGĐ trong toàn tỉnh, góp phần xây dựng gia đình Việt Nam: No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững.

 Nội dung chi tiết xem tại link 

https://www.youtube.com/watch?v=5LTyYLyk3vk