Việc chủ động áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm hàng hóa là rất cần thiết, bởi điều này góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, uy tín thương hiệu, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ dán tem truy xuất nguồn gốc lên sản phẩm.

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm là một giải pháp công nghệ cho người dùng truy xuất, tìm hiểu về thông tin nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm mà họ đã mua, truy ngược từ sản phẩm đang được bày bán trên kệ hàng về nơi sản xuất ban đầu, rà soát từng công đoạn trong chế biến và phân phối. Công nghệ truy xuất nguồn gốc đã được rất nhiều nước phát triển áp dụng từ lâu, như một khâu bắt buộc phải có của sản phẩm nếu muốn đưa ra lưu thông trên thị trường. Tại Việt Nam, ngày 19/01/2019, Thủ tướng Chính Phủ đã ban hành Quyết định số 100 về việc phê duyệt “Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc”. Đề án là cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện việc truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Do đó, ngày 07/4/2020  Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 1221 về việc “Phê duyệt Kế hoạch triển khai, áp dụng và quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025”, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành có liên quan như: Sở Công Thương, KH&CN, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Văn phòng điều phối vệ an toàn vệ sinh thực phẩm...

Thực tế cho thấy, khi mức sống được nâng cao, người tiêu dùng không chỉ yêu cầu sử dụng các sản phẩm an toàn mà còn muốn hiểu rõ hơn về quá trình nuôi trồng, bảo quản, chế biến, vận chuyển sản phẩm. Ứng dụng công nghệ truy xuất là “chìa khóa” khởi tạo cho niềm tin người tiêu dùng giúp họ yên tâm sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và chất lượng đảm bảo.

 Qua số liệu khảo sát, tổng hợp, tìm hiểu, đánh giá các đơn vị cung cấp công nghệ truy xuất nguồn gốc hiện nay cho các cơ sở sản xuất kinh doanh đang áp dụng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cho thấy, phần lớn các cơ sở sản xuất kinh doanh đều ứng dụng cộng nghệ mã vạch 2 chiều là Mã QR Code bằng phương pháp dán tem truy xuất nguồn có chứa mã QR code lên sản phẩm. Phần lớn Tem truy xuất nguồn gốc hiện nay trên các sản phẩm về cơ bản chỉ là truy xuất thông tin sản phẩm, chưa thể xem là tem truy xuất nguồn gốc yêu cầu theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12850:2019. Nội dung tem QR còn sơ sài, đơn giản chỉ có các thông tin cơ bản về cơ sở sản xuất kinh doanh, thông tin về công dụng, cách sử dụng, bảo quản, ngày sản xuất và hạn sử dụng của sản phẩm, trong khi các thông tin khác của cả chuỗi cung ứng như: thông tin về sử dụng loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật gì, mua ở đâu; con giống, cây giống, quy trình nuôi, trồng… không có. Ngoài ra, nhiều trường hợp mã truy xuất bị nhòe, mờ, kích thước, vị trí đặt không phù hợp, gây khó khăn hoặc không quét được... Do đó, tem QR truy xuất nguồn gốc hiện nay đang áp dụng chưa tạo được niềm tin tuyệt đối với người tiêu dùng, chưa đáp ứng được những yêu cầu tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc sản phẩm tại những thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật..

Những năm trước đây, Doanh nghiệp Đông Trùng Hạ Thảo Đăng Khoa, Tiểu khu Long Khang, thị trấn Nga Sơn  chủ yếu tiêu thụ các sản phẩm ở thị trường trong tỉnh. Để mở rộng khách hàng trong nước và hướng tới xuất khẩu, đơn vị đã tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư trang thiết bị máy móc để sản xuất, chế biến Đông trùng Hạ Thảo theo công nghệ tiên tiến. Đến nay, đông trùng hạ thảo Đăng Khoa đã đưa ra thị trường 8 dòng sản phẩm , trong đó có 6 các sản phẩm đã được chứng nhận OCOP 3 sao. Nhằm quảng bá sản phẩm, đơn vị đã tận dụng nền tảng số, đầu tư kinh phí xây dựng website quảng bá sản phẩm và thành lập riêng một bộ phận truyền thông, bán hàng qua các sàn thương mại điện tử online như facebook, zalo, Tiktok, Lazada .... Nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, các sản phẩm của Đông trùng hạ Thảo Đăng Khoa đã có mặt tại nhiều tỉnh thành trong cả nước. Từ những thành quả đạt được, Cơ sở sản xuất Đông Trùng Hạ Thảo Đăng Khoa muốn vươn mình ra thế giới. Đặc biệt là các thị trường lớn như Mỹ, EU.. Để thực hiện được điều đó việc ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm được doanh nghiệp đặc biệt chú trọng. Tuy nhiên, công nghệ truy xuất nguồn gốc mà cơ sở sử dụng hiện nay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu khắt khe của những thị trường khó tính...

Để hỗ trợ các đơn vị doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ứng dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm, Sở Khoa học công nghệ đã phối hợp với Sở nông nghiệp hướng dẫn và hỗ trợ chủ thể chuẩn hóa quy trình sản xuất, minh bạch thông tin, mã hóa, dán tem QR Code truy xuất nguồn gốc, thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm, uy tín doanh nghiệp, phục vụ hội nhập quốc tế. Theo số liệu báo cáo của Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản thuộc Sở NN&PT nông thôn, từ năm 2016 đến ngày 15/12/2022, Chi cục đã hỗ trợ 1.918.000 tem truy xuất nguồn gốc cho 170 cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, các sản phẩm được hỗ trợ cấp tem truy xuất nguồn gốc chủ yếu là các sản phẩm nông sản thuộc nhóm sản phẩm chủ lực và sản phẩm OCOP của tỉnh  trong chương trình xây dựng  chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Mời quý vị cùng xem chi tiết qua link clip sau:

https://www.youtube.com/watch?v=T5v2g1Mz9WE