Tổ chức Y tế thế giới (WHO) định nghĩa: “Sức khỏe là sự hoàn toàn thoải mái về thể chất, tinh thần lẫn xã hội chứ không chỉ là không có bệnh tật”. Do đó, vai trò của sức khỏe tâm thần đối với mỗi người là rất cần thiết, tác động lớn đến chất lượng cuộc sống, hạnh phúc gia đình, bình an xã hội và sự phồn thịnh của đất nước.

Sức khỏe tâm thần không chỉ là một trạng thái không có rối loạn hay dị tật về tâm thần, mà còn là một trạng thái tinh thần hoàn toàn thoải mái, muốn vậy cần phải có chất lượng nuôi sống tốt, có sự cân bằng và hoà hợp giữa các cá nhân với môi trường xã hội.

      Tại Việt Nam, tỷ lệ người bị rối loạn tâm thần chiếm 20 - 30% dân số và số người mắc bệnh trầm cảm, tự kỷ ngày càng gia tăng. Theo số liệu công bố trong nước, Việt Nam có ít nhất ba triệu thanh thiếu niên bị rối loạn tâm thần, nhưng chỉ 20% trong số đó được chẩn đoán và điều trị thích hợp. 

      Có nhiều nguyên nhân dẫn tới bệnh tâm thần, như: di truyền, mất cân bằng sinh hóa trong cơ thể, tổn thương hệ thần kinh hoặc bị tác động, ảnh hưởng bởi những yếu tố bất lợi từ môi trường cuộc sống hàng ngày, như nghiện games, rượu, ma túy tổng hợp… Ngoài ra, do nhiều người ngày càng phải đối mặt với áp lực về kinh tế, công việc, học hành căng thẳng hay biến cố trong đời sống cá nhân cũng gây ra những tác động không nhỏ tới tâm trí. Nhiều người dân còn đánh đồng người bệnh tâm thần là người điên, dẫn đến kỳ thị, làm cho người bệnh cũng như người nhà giấu bệnh hoặc không được điều trị đúng phương pháp. Một số bệnh nhân còn lo ngại nếu mình bị bệnh sẽ ảnh hưởng tới các mối quan hệ xã hội xung quanh, vì vậy, họ chọn cách giấu bệnh, không đi khám chữa... dẫn tới tỷ lệ người đi khám các bệnh tâm thần rất thấp.

      Năm 1999, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về Sức khoẻ tâm thần, tập trung vào xây dựng "mô hình chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng" và mở rộng nguồn lực về sức khỏe tâm thần vào năm 2025. Mục tiêu chung của Chương trình là: Xây dựng mạng lưới, triển khai mô hình lồng ghép nội dung chăm sóc sức khoẻ tâm thần với các nội dung chăm sóc sức khoẻ khác của trạm y tế xã, phường; phát hiện, quản lý và điều trị người bệnh kịp thời để họ sớm trở về sống hòa nhập với cộng đồng.

      Hiện nay, ngành Y tế tỉnh Thanh Hoá đã và đang triển khai đồng bộ Chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng, tại tất cả các xã, phường, duy trì hoạt động  chăm sóc sức khỏe tâm thần phân liệt, động kinh. Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa đón tiếp từ 150-200 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị. Trong đó, số bệnh nhân mắc các rối loạn về tâm thần có xu hướng ngày càng tăng cao. Bên cạnh công tác quản lý và điều trị, hoạt động giám sát, truyền thông được thực hiện thường xuyên. Qua đó, nhận thức về sức khoẻ tâm thần của cán bộ các cấp chính quyền và người dân ở địa phương đã được thay đổi rõ rệt theo hướng tích cực.

      Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện nay tiềm ẩn rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến các bệnh lý tâm thần. Đặc biệt, sau đại dịch COVID-19, các bệnh lý tâm thần diễn ra nhanh hơn, trầm trọng hơn, như: trầm cảm, lo âu, rối loạn tress sau sang chấn. Tổ chức Y tế Thế giới ước tính, tỷ lệ rối loạn lo âu và trầm cảm tăng lên khoảng 25% so với cùng thời kỳ trước khi có đại dịch COVID-19. Do đó, Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo phải chú ý hơn về mặt sức khỏe tâm thần người dân, không chỉ người già, người trưởng thành, mà trẻ em và vị thành niên cũng có nguy cơ rối loạn tâm thần rất cao.

      Để quản lý tốt các bệnh nhân tâm thần, động kinh, gia đình và cộng đồng có vai trò rất quan trọng; gia đình cần đưa bệnh nhân đi khám định kỳ, nhắc uống thuốc đều. Cộng đồng cần chia sẻ, giúp đỡ  người bệnh và gia đình người bệnh, đối với những người bệnh nghèo, không có thân nhân sống cùng, cộng đồng cần giúp đỡ, đưa người bệnh đi khám, lĩnh thuốc.v.v…

      Các bác sỹ chuyên khoa tâm thần khuyến cáo: Mỗi người dân cần có một lối sống khoẻ mạnh, hoạt động có ích, để có tâm lý tốt, lạc quan, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, chế độ làm việc, học tập và nghỉ ngơi hợp lý, thường xuyên tập thể dục để tăng cường sức khoẻ. Đồng thời, hiểu đúng đắn về dấu hiệu, triệu chứng bệnh tâm thần, nhằm giúp cho mình cũng như người thân phát hiện kịp thời, sớm đưa người bệnh đến trạm y tế, phòng khám bệnh tâm thần để được giúp đỡ, nhằm đạt mục tiêu: “Nâng cao chất lượng cuộc sống” cho mọi người trong xã hội./

Xem tin tức đầy đủ qua link dưới đây:

https://www.youtube.com/watch?v=sQvGJPfo0vM