Trong suốt quá trình phát triển kinh tế - xã hội, các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân huyện Hoằng Hóa luôn chăm lo làm tốt việc bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn, đồng thời, chú trọng khai thác tiềm năng, lợi thế này để phát triển du lịch.

Những năm gần đây, huyện Hoằng Hóa càng đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương, định hướng bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích văn hóa, lịch sử gắn với phát triển du lịch.  Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Chỉ thị số 10, ngày 9/9/2021 về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong quản lý, sử dụng, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng trên địa bàn huyện; ban hành Quyết định số 586, ngày 6/3/2023 về thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích xếp hạng, giá trị văn hóa phi vật thể trên địa bàn huyện Hoằng Hóa giai đoạn 2023-2025”, nhằm kết nối giữa du lịch với tham quan các di tích lịch sử - văn hóa, cách mạng. Đến nay, huyện đã thành lập và duy trì hoạt động ban quản lý cấp huyện, 39 ban quản lý cấp xã và các tổ quản lý ở hầu hết các di tích. Nhờ đó, công tác quản lý, điều hành tại các điểm di tích được thực hiện nghiêm túc, trật tự và hiệu quả.

Xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa có đến 10 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh và cấp quốc gia, trong đó có các di tích được nhiều người biết đến. Nơi thờ Thành hoàng làng Nguyễn Tuyên - vị đại tướng có công phò vua giúp nước dưới triều Lý – Bảng Môn Đình là biểu tượng văn hóa, truyền thống hiếu học của người dân xã Hoằng Lộc. Bảng Môn Đình ghi danh 12 vị đại khoa, trong đó có 7 tiến sĩ được khắc tên tại Văn miếu Quốc Tử Giám, cùng gần 200 vị hương cống, cử nhân và nhiều học sinh đỗ cao ở các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế sau này. Bảng Môn Đình cũng là nơi sinh hoạt tâm linh và sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân trong xã, trong huyện, là nơi con cháu đi xa tìm về để chiêm bái, cầu cho sự học. Xuất phát từ truyền thống đó, từ năm 2021 khu vực Bảng Môn Đình, xã Hoằng Lộc cũng trở thành điểm tổ chức Lễ hội Bút Nghiên đặc sắc, với nhiều hoạt động văn hóa, giáo dục sôi nổi mang đậm truyền thống quê hương như: viết thư pháp; kể chuyện danh nhân, trạng nguyên nhỏ tuổi; trưng bày các sản phẩm đồ dùng dạy học của giáo viên. Đây là một trong những lễ hội thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương đến Bảng Môn Đình trong những dịp đầu xuân năm mới.

Đến với vùng quê văn hiến Hoằng Lộc, quý vị có dịp ghé thăm Nhà thờ Trạng Quỳnh - người đỗ đầu trong kỳ thi Hương đời vua Lê Dụ Tông. Sử xưa ghi lại, Trạng Quỳnh là người có học vấn uyên thâm, có sở trường thơ phú, có tài năng ứng biến hơn người. Bgày nay, dân gian vẫn lưu truyền 40 mẩu truyện châm biếm, đả kích của Trạng Quỳnh. Đây không chỉ là tài sản trí tuệ của nhân dân Hoằng Hóa, mà còn là tài sản chung, góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa, văn học dân gian Việt Nam. Bên cạnh đó, các nhà thờ dòng họ, các từ đường hay Đền thờ Bùi Khắc Nhất... đều là những di tích ý nghĩa trên quê hương Hoằng Lộc để học sinh, nhân dân và du khách tham quan, tìm hiểu những giá trị văn hóa, lịch sử và hiểu hơn về truyền thống khoa bảng của vùng đất này.

Hằng năm, huyện Hoằng Hóa đều chú trọng huy động nhiều nguồn lực để trùng tu, tôn tạo các di tích trên địa bàn. Chỉ tính từ tháng 1/2021 đến nay, huyện đã huy động được gần 100 tỷ đồng. Những di tích sau khi được tu bổ đã trở thành  điểm du lịch mới, hấp dẫn, kết nối các tour, tuyến du lịch trong huyện, trong tỉnh, thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách cùng người dân địa phương đến tham quan. Trong đó, các di tích văn hóa tâm linh cũng đã trở thành sản phẩm du lịch mang thương hiệu của địa phương như Đền Mẫu Phủ Vàng, chùa Bụt hay chùa Hồi Long... 

Chùa Hồi Long thuộc thôn Liên Hà, xã Hoằng Thanh, là một ngôi chùa cổ được xây dựng vào đầu Triều Lý khoảng thế kỷ thứ XI. Đây là một trong những ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng mà nhân dân và du khách thập phương đến chiêm bái mỗi khi về Hoằng Hóa. Người xưa đã có câu đối ca ngợi vẻ đẹp của huyện Hoằng Hóa và Chùa Hồi Long: “Thiên khai Ngọc Chuế danh lam thắng – Địa dẫn Hồi Long cổ tích truyền”. Chùa Hồi Long lưng tựa núi Linh Trường, mặt nhìn ra sông Mã, sông Cung, thuộc thế tọa sơn hướng thủy. Trước những yêu cầu cấp bách về tu học và phục vụ tín ngưỡng tâm linh của nhân dân, của tín đồ Phật tử trong và ngoài tỉnh, UBND huyện Hoằng Hóa đã thực hiện dự án bảo tồn, tôn tạo di tích chùa Hồi Long. Trong chùa hiện có 20 pho tượng gỗ, 2 pho tượng đồng, các hoa văn họa tiết được chạm khắc công phu. Ngoài khu tâm linh đã cơ bản được hoàn thiện, các khu hành lễ từ thiện và dưỡng lão dự kiến sẽ được xây dựng trong khuôn viên nhà chùa. Khi hoàn thành, chùa Hồi Long không chỉ là nơi lui tới, tu dưỡng tinh thần của các tăng ni, phật tử, mà còn là một điểm du lịch lý tưởng bên cạnh những Di tích lịch sử văn hóa khác.

Nằm ở phía Đông Bắc huyện Hoằng Hóa, xã ven biển Hoằng Trường có những di tích, thắng cảnh hấp dẫn nhân dân trong tỉnh và du khách. Nhắc đến Hoằng Trường là nhắc đến trang sử hào hùng với tinh thần chiến đấu anh dũng “chia lửa với miền Nam” để “giữ vững hậu phương lớn miền Bắc” của quân và dân Hoằng Hóa trong kháng chiến chống Mỹ, được ghi dấu tại Tượng đài Lão dân quân Hoằng Trường. Đây là công trình tưởng niệm chiến công của các cụ lão dân quân Hoằng Trường, các cụ đã được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ các cụ đã dùng súng bộ binh bắn rơi máy bay Mỹ. Năm 2012 công trình được xây dựng trên diện tích đất 1.2ha bao gồm khu lưu niệm các Cụ lão quân Hoằng Trường, Tượng đài lão quân và phu điêu cùng  hệ thống sân vườn... Đây khu di tích có cảnh quan rất đẹp.

Niềm tự hào của lịch sử tiếp tục được nhân dân Hoằng Trường lưu giữ khi Tượng đài chiến thắng trận đầu của Hải quân dân nhân Việt Nam được dựng lên uy nghi, hào hùng, nơi cửa biển Lạch Trường. Tại đây, một quần thể kiến trúc với những di tích tâm linh, thắng cảnh non nước hữu tình đã được đầu tư xây dựng với tên gọi Công viên văn hóa du lịch tâm linh Hòn Bò - Lạch Trường. Tọa lạc dưới chân núi Hòn Bò là Đền Ông và Chùa Bụt. Từ xa xưa, Đền Ông là nơi dừng chân cầu nguyện của ngư dân trước mỗi chuyến vươn khơi bám biển. Linh khí ngàn năm tích tụ tạo cho ngôi đền và cảnh vật nơi đây vẻ linh thiêng, kỳ bí. Đền Ông lưng tựa núi, mặt hướng biển, tầng dưới thờ bộ xương cá voi; tầng trên bao gồm trung đường và hậu cung, thờ bài vị Thái úy Tô Hiến Thành và Thánh mẫu Liễu Hạnh. Kế bên là ngôi Chùa Bụt với công trình kiến trúc đẹp, bề thế, thể hiện sự hòa hợp giữa đạo và đời; là nơi linh ứng để du khách thập phương tới vãn cảnh, chiêm bái.  Hàng năm, vào tháng 2 âm lịch người dân Lạch Trường lại rộn ràng tổ chức lễ hội truyền thống cầu ngư, thu hút ngư dân trong vùng và cả bên kia sông Lạch Trường cùng về tham gia. Việc đầu tư xây dựng công viên văn hóa du lịch tâm linh đã tạo một điểm đến tham quan du lịch, tâm linh, kết nối với Tổ hợp nghỉ dưỡng vui chơi Flamingo, kết nối các khu di tích lịch sử trong  xã và với Khu Du lịch biển Hải Tiến, tạo thành chuỗi du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh, lịch sử của huyện.

Từ Công viên văn hóa du lịch tâm linh Hòn Bò - Lạch Trường xuôi về Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến, nhân dân và du khách sẽ được nhìn ngắm vẻ đẹp rêu phong, cổ kính của Đền thờ Thái úy Tô Hiến Thành, tọa lạc tại Tiền Thôn, xã Hoằng Tiến. Năm 1997, ngôi đền cổ kính 800 năm tuổi linh thiêng này đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật Quốc gia. Theo thần phả của địa phương, ngôi đền được xây dựng vào cuối thế kỉ thứ XII theo lối kiến trúc 3 gian 2 chái. Tiền đường thờ Thái úy Tô Hiến Thành, trung đường thờ ngai vị và hậu cung thờ bài vị của ngài. Hiện nay, đền còn lưu giữ 26 đạo sắc phong của các Triều đại phong kiến. Sử xưa ghi lại, Tô Hiến Thành sống và làm quan dưới 2 vua Lý Anh Tông và Lý Cao Tông. Ông là bậc đại thần, là danh tướng kiệt xuất đã giúp 2 vua điều hành chính sự, trị vì đất nước trên các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, quân sự. Do một số hạng mục công trình xuống cấp, nên các cấp chính quyền cùng nhân dân trên địa bàn đã chung tay, đóng góp trùng tu khuôn viên ngôi đền, xây dựng thêm Cung thờ mẫu, nhà thờ Phật, đặc biệt là Pho tượng Thái úy được tạo tác bằng đá xanh nguyên khối, toát lên vẻ oai phong của một danh sĩ văn võ toàn tài. Vào những ngày đầu tháng 2 âm lịch hàng năm, nhân dân xã Hoằng Tiến và khách thập phương quanh vùng lại hân hoan, náo nức tham gia lễ hội kỳ phúc diễn ra tại đền thờ Tô Hiến Thành, ngợi ca những nét đẹp văn hóa truyền thống, ngợi ca ý chí kiên cường đấu tranh bảo vệ quê hương.

Đến với Hoằng Hóa, du khách còn có thể ghé thăm Nhà truyền thống huyện, nơi lưu giữ hàng ngàn hiện vật, phản ánh cuộc sống sinh hoạt cũng như quá trình đấu tranh anh dũng của quân và dân huyện Hoằng Hóa chống giặc ngoại xâm. Nhà truyền thống huyện Hoằng Hóa có tổng diện tích xây dựng trên 6.000 m2. Bên trái là khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, các bà mẹ Việt Nam anh hùng và các anh hùng liệt sĩ. Bên phải là khu nhà bia, gồm 12 văn bia bằng đá, phục dựng nguyên mẫu các bia đá trên địa bàn huyện. Chính giữa là Nhà truyền thống trưng bày những tư liệu, hình ảnh, hiện vật thể hiện truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng và những bước đột phá trong phát triển kinh tế xã hội của huyện.

Việc phát triển du lịch về nguồn, du lịch gắn với điểm đến là các di tích lịch sử - văn hóa đã được xác định rõ trong chương trình về phát triển du lịch trên địa bàn huyện giai đoạn 2020-2025. Theo đó, huyện Hoằng Hóa thực hiện đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, khai thác các điểm du lịch mới, khai thác các tuyến du lịch di tích lịch - văn hóa, danh lam, thắng cảnh trên địa bàn. Huyện đưa vào khai thác các tuyến du lịch trọng điểm xuất phát từ Khu Du lịch biển Hải Tiến đến các điểm di tích lịch sử - văn hóa trong và ngoài huyện, như: Tour du lịch từ Hải Tiến đi Đền Long Vương (đảo Nẹ) - Cảng cá Lạch Trường - vào sông Cung - Lạch Hới; tour Hải Tiến đi Đền thờ Tô Hiến Thành - Chùa Hồi Long - Đền thờ Đại vương Lê Trung Giang; tour du lịch Hải Tiến đi đến các di tích quốc gia xã Hoằng Lộc - nhà truyền thống huyện; hay tour Hải Tiến đi Cảng Lạch Trường - núi Linh Trường - phủ Máng - làng nghề mộc - chùa Trù Ninh - đền Quốc Mẫu, phủ Vàng,..

Trong phát triển du lịch, huyện đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền tới các tầng lớp nhân dân trong huyện và du khách, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của chính quyền các cấp và cộng đồng đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa; từ đó giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước của mỗi người dân. Đồng thời, chú trọng tổ chức các hoạt động, chương trình về nguồn tại các khu di tích lịch sử, tạo thành phong trào giáo dục truyền thống sâu rộng, thường xuyên trong các tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương.

Thực tiễn đã chứng minh, các di tích lịch sử - văn hóa chính là nguồn tài sản quý giá, cấu thành môi trường sống, là bản sắc riêng có của mỗi vùng, miền. Ở huyện Hoằng Hóa, đây chính là tiềm năng, thế mạnh, là cơ sở, nguồn lực để huyện phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch.

Với những nỗ lực thực hiện các giải pháp đầu tư về hạ tầng, xúc tiến, quảng bá du lịch, đăng cai tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch, đặc biệt phát triển hoạt động du lịch gắn với phát huy thế mạnh di tích lịch sử - văn hóa, chính quyền và nhân dân huyện Hoằng Hóa đang nỗ lực phấn đấu đến năm 2025 đưa du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện./

Mời quý vị theo dõi chi tiết qua link film sau: https://www.youtube.com/watch?v=agcTPuKIw08